Viêm mũi dị ứng

Đăng lúc: 10:54:14 04/11/2014 (GMT+7)

Thời tiết chuyển mùa, mưa nắng thất thường, độ ẩm không khí thay đổi đột ngột là những nguyên nhân khiến mũi dễ bị kích thích và gây ra các phản ứng dị ứng thời tiết. Viêm mũi dị ứng xuất hiện thành từng cơn, trong cơn các triệu chứng điển hình, ngoài cơn có thể hoàn toàn bình thường. Bệnh gây ra nhiều phiền toái cho người mắc phải, làm giảm chất lượng cuộc sống.

 Đặc điểm của viêm mũi dị ứng

Viêm mũi dị ứng có hai loại, loại có chu kỳ và loại không có chu kỳ.

Viêm mũi dị ứng có chu kì thường xảy ra đột ngột vào đầu mùa lạnh hay đầu mùa nóng hoặc nóng ẩm. Người bệnh thấy cay cay trong mũi, hắt hơi liên tục, thêm vào đó có thể thấy ngứa mũi, cay mắt, đỏ mắt, chảy nước mắt. Kéo theo là chảy nhiều nước mũi trong. Đặc biệt là vào lúc sáng sớm vừa ngủ dậy có nhiều cơn như vậy, nhưng tối đến có thể dịu hơn.

Viêm mũi dị ứng không có chu kỳ có triệu chứng giống như loại có chu kỳ nhưng khác ở chỗ là bệnh xuất hiện không theo mùa, không phụ thuộc thời tiết, cơn viêm không kịch phát, chỉ hắt hơi vài cái nhưng nghẹt mũi tăng dần và kéo dài hơn giữa 2 cơn.

Khi bệnh viêm mũi dị ứng đã thành bệnh mạn tính thì có thể bị nghẹt mũi gần như thường xuyên, có thể bị ù tai, nhức đầu kèm theo. Những triệu chứng này có thể bị nhầm với viêm xoang. Do nghẹt mũi cho nên người bệnh thường phải thở bằng miệng dẫn đến viêm họng, viêm phế quản, dị ứng phế quản và rất có thể dẫn đến bệnh hen suyễn.

 

 Viêm mũi dị ứng

Những người bị viêm mũi dị ứng không nên tiếp xúc với lông động vật như chó, mèo...

 

Cách phòng ngừa và điều trị

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm mũi dị ứng, những trường hợp có cơ địa dị ứng cần cảnh giác cao với viêm mũi dị ứng. Để hạn chế bị viêm mũi dị ứng cần lưu ý:

_ Không nên nuôi chó, mèo trong nhà.

_ Vệ sinh định kỳ chăn, ga, gối, đệm, vải bọc ghế, bọc đệm hạn chế sự tồn tại và sinh trưởng của một số ký sinh trùng.

_ Luôn vệ sinh nhà ở thoáng, sạch sẽ, tránh ẩm ướt để hạn chế nấm mốc phát triển. _ Cần vệ sinh răng miệng hàng ngày nhất là đánh răng sau khi ăn, trước và sau khi ngủ dậy.

_ Không nên ăn các loại thực phẩm mà xác định hoặc nghi ngờ gây viêm mũi dị ứng như: tôm, cua, ốc.

_ Đeo khẩu trang khi ra đường để tránh bụi.

_  Khi thời tiết thay đổi từ nóng sang lạnh thì cần giữ ấm cơ thể như: mặc đủ ấm, cổ nên được quàng khăn ấm.

 

 Viêm mũi dị ứng

Đi khám bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng nếu có dấu hiệu của bệnh

 

Khi nghi ngờ bị bệnh viêm mũi dị ứng nên đi khám bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để được điều trị sớm, tránh để bệnh thành mạn tính đưa đến viêm họng, phế quản dị ứng, hen suyễn.

Tuyệt đối không nên tự chẩn đoán bệnh cho mình và tự mua thuốc để điều trị.